Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh và mục tiêu tuyển sinh của các trường đại học trước tình hình dịch Covid-19

2020-08-08 08:38:00.0

“Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã được Bộ GD&ĐT quyết định thành 2 đợt. Đợt 1 là những tỉnh không có nguy cơ Covid-19, đợt 2 là những tỉnh đang cách ly xã hội. Các thí sinh thuộc diện F1, F2 cũng sẽ thi đợt 2 cùng với các tỉnh này. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay thì phương án này được cho là phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của thí sinh, mục tiêu xét tuyển của các trường đại học cũng như quy định của Luật Giáo dục…”.

Đó là những đánh giá của Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) khi trao đổi với phóng viên Cổng thông tin điện tử tỉnh xoay quanh nội dung giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh và mục tiêu tuyển sinh của các trường đại học trước tình hình dịch Covid-19.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên

PV: Theo ông, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức thi thành 2 đợt có những thuận lợi và khó khăn gì đối với thí sinh? Quan điểm của ông như thế nào khi đặt ra vấn đề về sự chênh lệch trong đề thi của 2 đợt khác nhau, sự tương đồng về độ khó giữa 2 lần thi có làm mất công bằng trong xét tuyển?

GS TS Phạm Hồng Quang: Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT làm 2 đợt đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cân nhắc tính toán kỹ các tình huống. Thuận lợi chung là Bộ GD&ĐT, các địa phương đã chuẩn bị mọi mặt về cơ sở vật chất, con người, các trường đại học đã sẵn sàng vào cuộc theo nhiệm vụ phân công. Phương án này cũng xác định rõ địa phương thi đợt 2 là Đà Nẵng, Quảng Nam và các thí sinh F1, F2 ở các địa phương khác.

Một số bậc phụ huynh và thí sinh thi đợt 2 sẽ có thể gặp một số vấn đề tâm lý và áp lực. Tuy nhiên, tôi cho rằng các em sẽ phải nhập học muộn hơn, thậm chí phải “học đuổi” để theo kịp chương trình với thí sinh đợt 1, nhưng khoảng cách đó cũng không dài. Do đó, các thí sinh cũng không nên quá lo lắng về tuyển sinh và nhập học muộn hơn. Đây cũng là tình huống bất khả kháng. Các trường đại học sẽ phải  dành chỉ tiêu cho việc xét tuyển đợt 2, đồng thời điều chỉnh kế hoạch đào tạo, kết hợp học online và học tại trường. Và phương thức các trường đại học hiện nay chủ yếu là đào tạo theo tín chỉ nên việc nhập học muộn hơn trong khoảng thời gian ngắn không ảnh hưởng đến chương trình học của các em trong trường đại học.

Băn khoăn của phụ huynh, thí sinh là không tránh khỏi nhưng các bậc phụ huynh và thí sinh hãy yên tâm. Bởi vì, chúng ta có một chuẩn chương trình và sách giáo khoa thống nhất; Bộ GD&ĐT đã có kinh nghiệm nhiều năm xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi, đề thi đã được chuẩn hóa, được lựa chọn ngẫu nhiên, mức độ khó khó dễ của đề thi sẽ ngang nhau.  Đề thi đợt 2 cũng do Bộ GD&ĐT ra với mức độ, yêu cầu tương đương với đề của đợt 1. Hơn nữa như trên đã đề cập, 8/9 môn thi theo hình thức trắc nghiệm nên đảm bảo tính công bằng cao, không lo chênh lệch độ về điểm giữa 2 đợt.

Còn trong xét tuyển đại học, các trường đại học sẽ phải có phương án dành chỉ tiêu cho thí sinh thi đợt 2 (nếu có). Đối với các thí sinh tham gia xét tuyển theo kết quả học tập THPT (theo học bạ), các em vẫn làm hồ sơ đăng ký xét tuyển bình thường. Với thí sinh xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường đại học để dành chỉ tiêu nhất định để tuyển các em thuộc đối tượng F1, F2 và các thí sinh ở địa phương phải thực hiện cách ly xã hội không thể tham gia thi đợt 1. Các trường đại học phải công bố công khai chỉ tiêu nhằm đảm bảo quyền lợi và công bằng cho các thí sinh thi tốt nghiệp đợt 1 và đợt 2, nhất là các trường có điểm trúng tuyển cao thuộc Top đầu.

PV: Nhiều trường đại học chỉ dùng kết quả thi THPT để xét tuyển. Việc thi làm 2 đợt như vậy, theo ông có ảnh hưởng gì đến kế hoạch tuyển sinh, đào tạo của các trường?

GS TS Phạm Hồng Quang: Kế hoạch tuyển sinh năm 2020 của các trường đại học đã được ấn định theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT, chỉ tiêu và các phương thức xét tuyển cũng đã được thông báo trong đề án tuyển sinh. Một số trường đại học chỉ dùng kết quả thi THPT để xét tuyển. Vì vậy, các trường đại học sẽ điều chỉnh và dành chỉ tiêu hợp lý cho thí sinh dự thi đợt 2. Theo Quy chế Bộ GD&ĐT cho phép vượt chỉ tiêu không quá 5% của năm tuyển sinh. Tuy nhiên, nếu vượt quá 5 - 10% thì sẽ có thể đề xuất với Bộ GD&ĐT bổ sung vào đề án để tuyển thêm những học sinh thi đợt 2. Mục đích cuối cùng là đảm bảo quyền và lợi ích cho thí sinh.

Ngoài ra, việc tổ chức đào tạo năm học 2020-2021 của các trường cũng được điều chỉnh hợp lý. Giả sử dịch bệnh kéo dài, thì việc thí sinh sẽ phải nhập học muộn hơn, thậm chí, phải “học đuổi” để theo kịp chương trình với thí sinh đợt 1 sẽ xử lý kịp. Và kết hợp nhiều phương án như học online. Tất cả các trường đã có phương án tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh có thể nhập học nhiều lần, nhiều đợt, nhưng đích cuối cùng các em vẫn đảm bảo đáp ứng yêu cầu của chương trình.

Các thí sinh của tỉnh Thái Nguyên tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019

PV: Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học dành chỉ tiêu nhất định cho những thí sinh thi vào đợt 2; Đại học Thái Nguyên có phải điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh không, thưa ông?

GS TS Phạm Hồng Quang: Kế hoạch tuyển sinh của ĐHTN năm 2020 đã được ấn định theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT. Năm nay ĐHTN tuyển sinh đại học theo 2 phương thức chính: Xét tuyển theo kết quả học bạ và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ngoại trừ Trường Đại học Y - Dược chỉ xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, còn tất cả các trường, khoa thành viên của ĐHTN xét tuyển theo cả hai phương thức với tỷ lệ gần như tương đương, do vậy không phải điều chỉnh nhiều về kế hoạch tuyển sinh.

Hiện tại, việc tổ chức kỳ thi đợt 2 vẫn chưa chốt được thời điểm do còn phụ thuộc vào tình hình diễn biến của dịch Covid-19. Vùng ĐHTN cũng chưa có nhiều thí sinh thi vào đợt 2. Chúng tôi đã chuẩn bị một số kịch bản cho mùa tuyển sinh năm nay trên tinh thần vẫn bám sát theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Đối với các thí sinh tham gia xét tuyển theo kết quả học tập THPT (theo học bạ), các em vẫn làm hồ sơ đăng ký xét tuyển bình thường. Với thí sinh xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, ĐHTN chỉ đạo các trường đại học để dành chỉ tiêu nhất định để tuyển các em thuộc đối tượng F1, F2 và các thí sinh ở địa phương phải thực hiện cách ly xã hội không thể tham gia thi đợt 1. Các trường đại học, khoa thành viên của ĐHTN phải công bố công khai chỉ tiêu nhằm đảm bảo quyền lợi và công bằng cho các thí sinh thí sinh thi tốt nghiệp đợt 1 và đợt 2, nhất là các trường có điểm trúng tuyển cao như Trường Đại học Y-Dược, Khoa Ngoại ngữ.

PV: Theo Quy chế tuyển sinh, điểm trúng tuyển đợt 2 sẽ không được thấp hơn đợt 1. Để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh ở vùng dịch thì Bộ GD&ĐT cần gỡ vướng mắc này như thế nào thưa ông? Và theo ông, làm thế nào để đảm bảo hài hòa quyền lợi cho thí sinh và mục tiêu tuyển sinh của các trường đại học?

GS TS Phạm Hồng Quang: Theo tôi, điểm trúng tuyển của 2 đợt phải bằng nhau là công bằng nhất. Theo Quy chế tuyển sinh, điểm trúng tuyển đợt 2 sẽ không được thấp hơn đợt 1, đây là nội dung đã được thực hiện nhiều năm nay. Vấn đề ở chỗ là chúng ta đã sử dụng chung đề, chung chuẩn và chương trình học, những điều này đã đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Dù thi ở nhiều đợt, trong những bối cảnh khác nhau nhưng đều có một điểm chung là đảm bảo công bằng. Giả sử thí sinh ở vùng dịch phải thi tốt nghiệp đợt 2 thì cần phải có nghiên cứu, có thể sẽ có ưu tiên nhất định cho các em.

Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT và các trường đã có những phương án điều chỉnh cho phù hợp thi làm 2 đợt. Với tinh thần của các trường là hạn chế tối đa thay đổi lớn, giữ ổn định như công bố đề án tuyển sinh, chỉ điều chỉnh nhỏ là dành chỉ tiêu hợp lý cho thí sinh thi tốt nghiệp đợt 2 trên cơ sở đã thống kê số thí sinh diện F1, F2 đã đăng ký vào các ngành đào tạo của nhà trường, điều này cần sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin tuyển sinh giữa Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, các trường THPT và trường đại học.Thêm một số chỉ tiêu nhỏ, không ảnh hưởng lớn đến điều kiện đảm bảo chất lượng. Như chúng ta đã biết, các trường đại học đã công bố các yếu tố đảm bảo chất lượng phụ thuộc vào đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, giáo trình, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, dịch vụ hỗ trợ sinh viên,…Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải căn cứ vào các điều kiện nói trên. Nếu tăng chỉ tiêu đào tạo do tuyển sinh các thí sinh thi tốt nghiệp đợt 2 vì lý do bất khả kháng thì các nhà trường sẽ phải điều tiết lại nguồn lực (giảm chỉ tiêu của năm sau, đầu tư thêm nguồn lực…). Cuối cùng là tuyển sinh được nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng, đây cũng là mong muốn của ngành, của Chính phủ và người dân.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại điểm thi Trường THPT Gang Thép (TP. Thái Nguyên)  vào sáng ngày 7/8.

PV: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được diễn trong 2 ngày (9 và 10/8), cùng với cả nước thì ĐHTN đã cử cán bộ, giảng viên tham gia vào công tác thanh tra như thế nào?. ĐHTN đã lên phương án xét tuyển như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh và mục tiêu tuyển sinh của các trường đại học, khoa trực thuộc trước tình hình dịch Covid-19?

GS.TS Phạm Hồng Quang: Năm 2020, ĐHTN được Bộ GD&ĐT triệu tập tổng số 244 cán bộ, giảng viên (trong đó có 19 cán bộ, giảng viên dự phòng) tham gia công tác kiểm tra thi THPT ở các khâu in sao đề thi, coi thi và chấm thi (kiểm tra in sao đề thi tại Thái Nguyên; kiểm tra coi thi tại Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc; kiểm tra chấm thi). Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, tất cả các cán bộ tham gia công tác kiểm tra thi tốt nghiệp THPT đều phải được tập huấn và thực hiện bài kiểm tra theo đề của Bộ. ĐHTN đã thực hiện việc chọn lựa các cán bộ tham gia công tác kiểm tra thi một cách chặt chẽ, kỹ lưỡng và đúng quy chế. Các cán bộ tham gia thực hiện nhiệm vụ đều là cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, có chứng chỉ nghiệp vụ hoặc thẻ cộng tác viên thanh tra do Bộ GD&ĐT cấp.

Kế hoạch tuyển sinh của ĐHTN năm 2020 đã được ấn định theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT. Năm nay ĐHTN tuyển sinh đại học theo 2 phương thức chính: Xét tuyển theo kết quả học bạ và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ngoại trừ Trường Đại học Y - Dược chỉ xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, còn tất cả các trường thành viên của ĐH Thái Nguyên xét tuyển theo cả hai phương thức với tỷ lệ gần như tương đương. Hiện tại, việc tổ chức kỳ thi đợt 2 vẫn chưa chốt được thời điểm do còn phụ thuộc vào tình hình diễn biến của dịch bệnh. ĐHTN đã chuẩn bị một số kịch bản cho mùa tuyển sinh năm nay, trên tinh thần vẫn bám sát theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Chúng tôi sẽ thống kê số lượng thí sinh từ Đà Nẵng, Quảng Nam đăng ký tuyển sinh tại ĐH Thái Nguyên để có thể dự đoán cho năm nay. Tỷ lệ học sinh từ những tỉnh/thành này đăng ký dự thi vào các trường, khoa thành viên của ĐHTN rất ít nên có lẽ cũng không có gì quá phức tạp.    

Đối với các thí sinh tham gia xét tuyển theo kết quả học tập THPT (theo học bạ), các em vẫn làm hồ sơ đăng ký xét tuyển bình thường. Với thí sinh xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, ĐHTN chỉ đạo các trường đại học để dành chỉ tiêu nhất định để tuyển các em thuộc đối tượng F1, F2 và các thí sinh ở địa phương phải thực hiện cách ly xã hội không thể tham gia thi đợt 1. Các trường đại học, khoa thành viên của ĐHTN phải công bố công khai chỉ tiêu nhằm đảm bảo quyền lợi và công bằng cho các thí sinh thí sinh thi tốt nghiệp đợt 1 và đợt 2, nhất là các trường có điểm trúng tuyển cao như trường Đại học Y - Dược, Khoa Ngoại ngữ…

PV: Trân trọng cảm ơn GS.TS Phạm Hồng Quang về cuộc trao đổi này!

Nguồn: thainguyen.gov.vn

Thực hiện: Trần Nhung - Thanh Hiếu

 



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 4900900